"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Vài Suy Nghĩ Nhân Diễn Văn Của TT Obama Tại Hà Nội

 

1) Cảm nhận khi đọc bài diễn văn của TT Obama.

  1. Nhiều cảm giác khác nhau. Một điều đáng chú ý là không riêng ở Việt Nam, giới trẻ ngày nay  không biết nhiều về ngôn ngữ văn hoá , lịch sử của chính nước mình. Bởi vậy những "điển tích" VN Obama nhắc đến là một điều tích cực, mà có lẽ mới mẻ luôn cho thanh niên cũng như người thế hệ già hơn của VN.
  2. Phục ông chính trị gia này ăn nói hay, như mọi khi, điều mà người nào ở Mỹ cũng biết. Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng Tổng thống Mỹ , và cả vợ tổng thống, có nguyên một ê kíp viết diễn văn cho họ. Những người này là những tay viết chuyên nghiệp, và văn chương của họ khó mà chê được. Đó là chưa kể các cố vấn chuyên gia về chính trị, văn hoá hay lịch sử. Ví dụ TS Peter Zinoman được hỏi ý kiến nên nêu những trích dẫn gì về văn hoá, nhạc, sử , văn chương VN cho ông Obama. Ông Zinoman có vợ người Việt và hai vợ chồng cùng dịch cuốn Số Đỏ của Vũ Trong Phụng, và cuốn sánh tiếng Anh “Dumb Luck” thành công hơn mọi dự đoán.
  3. Trong cuốn "Đắc nhân tâm, bí quyết thành công" của Nguyễn Hiến Lê dịch nguyên tác của Dale Carnegie, một trong những nguyên tắc 'to make friends  and influence people” là nói về người mình đối thoại, và khen họ. Ông Obama rất khéo về điểm này, nói về những ưu tư và tự hào của người Việt trước, xoa dịu những điểm họ thấy bất an ("insecurities") như chủ quyền, mặc cảm bị nước lớn áp đặt lề lối làm việc, suy nghĩ của họ, thiếu óc sáng tạo.... Nghĩa là vuốt ve trước rồi chuyện khác tính sau.
  4. Tuy vậy, ngoài khả năng ngoại giao thông thường đương nhiên có ở một người 'tuổi trẻ tài cao' như Obama, điểm này cũng phản ảnh cá nhân ông cũng như thế hệ của ông. Chính điểm này làm cho người nghe có thể dễ được/bị thuyết phục. Ví dụ ông chỉ mười mấy tuổi lúc chiến tranh Việt nam xảy ra, làm chúng ta nhớ chuyện ngụ ngôn của La Fontaine: Con chó sói và con cừu (tuy ở đây vai trò khác nhau). Con chó sói buộc tội con cừu con nói xấu nó năm ngoái, nhưng cừu con nói: "Làm sao em nói xấu anh được lúc mà em chưa sinh ra?" (Tu la troubles, reprit cette bête cruelle, Et je sais que de moi tu médis l'an passé.- Comment l'aurais-je fait si je n'étais pas né? Reprit l'Agneau).
  5. Obama có sống thời thơ ấu cùng mẹ, em gái cha ghẽ người Indonesia ở Indonesia và rất quen thuộc với vùng Đông Nam Á, cho nên lối sống, thức ăn của VN (rất có nhiều điểm giống Indonesia) có lẽ không làm ông e ngại gì.
  6. Bản thân ông cũng là người "đa văn hoá", "cấp tiến" (liberal) (như “wealth redistribution”:  lấy tiền người giàu chia cho người nghèo để giảm bất công xã hội, Obamacare) và những điểm đó cũng giúp cho ông bớt bị  Hà Nội nghi ngại, nếu có lúc ông trích dẫn thơ văn, lịch sử Việt nam.
  7. Chuyện này cũng làm tôi nhớ tới cách đối xử của các linh mục dòng tên như Matteo Ricci (1552-1610) ở Bắc Kinh hay Alexandre de Rhodes ở Đằng Trong (Miền Nam Việt Nam vào thế kỷ thứ 17). Họ áp dụng phương pháp thích ứng với văn hoá bản địa (acculturation). Ví dụ như giải thích khái niệm Chúa Trời của Công giáo bằng cách đánh đồng với Thiên đế của Tàu hay "Ông Trời" của Việt nam, so sánh các thánh của giáo hội với các ông thần làng của vua phong, vv.
  8. Tuy nhiên, có lẽ vì mình già, và đã sống qua nhiều loại xã hội khác nhau, nhất là nghe các vị chính trị gia Mỹ ăn nói ngọt lúc vận động, ví dụ ông Cabot Lodge mặc áo dài khăn đóng với ông Diệm, hay bà dân biểu Cali Loretta Sanchez mặc áo dài phụ nữ Việt Nam, trong đầu cũng có thấy cái gì quen quen, “déjà vu”.

Trong cuộc viếng thăm Cuba hồi đầu năm, Obama cũng nói rằng chuyện xung đột giữa Mỹ và Cuba bắt đầu từ lúc ông chưa sinh ra.

9)Tôi có tìm đọc bài diễn văn của Obama hồi đầu năm 2016 trước giới trẻ Cuba, và thích thú tìm thấy khung bài rất tương tự, đi theo những đề tài rất giống nhau:

  • Chào vài câu tiếng Spanish
  • Nêu ra những tương đồng giữa hai văn hoá
  • Không quên những khác biệt và công nhận quyền khác biêt
  • Ý muốn loại bỏ tàn tích chiến tranh lạnh
  • Kêu gọi tuổi trẻ
  • Dẫn chứng những thành công người gốc Cuba/ Mỹ hải ngoại, ở Mỹ
  • Kêu gọi dân chủ như là một giá trị toàn cầu  “And I believe that upholding these rights is the fullest expression of the independence that so many cherish, including here, in a nation that proclaims itself to be “of the People, by the People and for the People.”
  • Xây nhịp cầu nối lại hai phía đối nghịch (building a bridge)

2)“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

“I also come here with a deep respect for Vietnam’s ancient heritage.  For millennia, farmers have tended these lands -- a history revealed in the Dong Son drums.  At this bend in the river, Hanoi has endured for more than a thousand years.  The world came to treasure Vietnamese silks and paintings, and a great Temple of Literature stands as a testament to your pursuit of knowledge.  And yet, over the centuries, your fate was too often dictated by others.  Your beloved land was not always your own.  But like bamboo, the unbroken spirit of the Vietnamese people was captured by Ly Thuong Kiet -- “the Southern emperor rules the Southern land.  Our destiny is writ in Heaven’s Book.” (Barack Obama)

“Tôi cũng đến nơi này với lòng kính phục sâu xa đối với di sản văn hoá cổ xưa của Việt Nam. Qua nhiều ngàn năm, những nhà nông đã vun xới những mảnh đất này---một lịch sử được phát hiện qua các trống [đồng] Đông Sơn. Nơi đây chỗ dòng sông uốn khúc, Hà Nội đã trường tồn hơn cả ngàn năm. Thế giới từng đến đây để trân quý tơ lụa và tranh hội hoạ, và một Văn Miếu vĩ đại đứng vững như là một chứng tính của sự đeo đuổi kiến thức của các bạn. Nhưng đất nước thân yêu của các bạn không phải lúc nào cũng trong tay các bạn sở hữu. Nhưng như cây tre, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được Lý Thường Kiệt nắm bắt được [trong câu thơ]: Nam quốc sơn hà Nam Đế cư..." (Hồ Văn Hiền dịch)

Hồi nhỏ , học tiểu học ở Huế, chúng tôi được dùng một cuốn sách giáo khoa do một giáo viên địa phương Ông Trần Đinh, cũng dòng dõi Trần Tiễn Thành, người Minh Hương  viết, có minh hoạ của hoạ sĩ "truyền thần" Phi Hùng cũng ở Huế. Tôi còn nhớ bài thơ như sau, được cho là Lý Thường Kiệt  (1019-1105) đã cho người lén vào đền của quân nhà Tống đọc để làm "chiến tranh tâm lý" với quân Tàu:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Dịch:

Sông núi nước nam vua nam coi,

Tiệt nhiên định phận ở sách trời,

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Bây sẽ tan tành chết sạch toi.

Hiện nay, ở Việt Nam người ta dùng một bản dịch khác gây tranh cãi nhiều, người khen là đúng, người chê dở:

Bản dịch thơ của Lê Thước và Nam Trân:

Núi sông Nam Việt vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Nam là nam và bắc là bắc. Đối với người phía VNCH, có lẽ câu "sông núi nước Nam vua nam coi" có thể hiểu hơi khác đi một chút cho hợp với cuộc nội chiến Nam-Bắc hồi đó . Cũng nên nhớ, hồi đó "ông thánh tổ" chiến tranh tâm lý là Nguyễn Trãi, người cho lấy mỡ viết câu "Lê lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" trên lá cây cho sâu ăn thành những truyền đơn đem ý nghĩa thiên mệnh cho cuộc khởi nghĩa chống quân Minh.

Hiện nay, các học giả VN cho rằng bài thơ này nguyên là một bài thơ thần xuất hiện đầu tiên cả thế kỷ trước Lý Thường Kiệt cũng trong chiến tranh với nhà Tống, thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàng)

(Trích Wikipedia tiếng Việt)

"Theo sách Lĩnh Nam chích quái:

Năm Thiên Phúc nguyên niên hiệu vua Lê Đại Hành (941-1006); Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân xâm lược nước Nam. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với nhau ở sông Đồ Lỗ. Vua Lê Đại Hành mộng thấy hai anh thần nhân ở trên sông vái mà nói rằng họ là Trương Hống, Trương Hát xưa theo Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục, TK th 6); nay xin cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh. Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu thần giúp. Đêm ấy thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt mà lại cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng, thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư

Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược

Bạch nhận phiên thành phá trúc dư."

Theo Bửu Diên Nguyễn-Phúc, Thị Hoàng Anh Phạm (2003)

“Năm 1076, hơn 30 vạn quân nhà Tống (Trung Quốc) do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt (tên nước Việt Nam thời đó). Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn.Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Đại Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giữ vững bờ cõi nước Đại Việt (Việt Nam).” (Wikipedia)

3)  Hai Bà Trưng được nhắc đến với ý nghĩa gì?

  We think gender equality is an important principle.  From the Trung Sisters to today, strong, confident women have always helped move Vietnam forward.  The evidence is clear -- I say this wherever I go around the world -- families, communities and countries are more prosperous when girls and women have an equal opportunity to succeed in school and at work and ingovernment.  That's true everywhere, and it's true here in Vietnam.  (TT Obama)

 

...Chúng tôi nghĩ bình đẳng giới [nam nữ] là một nguyên tắc quan trọng. Từ chị em [Hai  Bà] Trưng cho đến ngày nay, những phụ nữ mạnh, tự tin đã luôn luôn góp phần đưa nước này tiến tới. Bằng chứng đã rõ rệt, và tôi nói điều này khi tôi đến bất cứ nơi nào trên thế giới- gia đình, cộng đồng và đất nước thịnh vượng hơn mỗi khi mà các cô gái, các phụ nữ có cơ hội bình đẳng để thành công trong trường học, nơi làm việc cũng như trong chính quyền. Điều này đúng khắp mọi nơi, và đúng ở đây, tại Việt Nam. (Hồ Văn Hiền dịch)

 

Nếu nói về dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử trên 2000 năm, thế giới có lẽ phải học hỏi Việt Nam về nữ quyền hơn là được người khác nhắc nhở. Các tôn giáo lớn thế giới như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo , và nhất là Khổng giáo đều chủ trương hệ thống gia trưởng (patriarchal). Phụ nữ Việt nam thì khác, có lẽ vì trước khi bị biến thành một quận của Tàu và bị hay được Hán hoá, phụ nữ Việt trong thời bà Trưng Bà, Triệu đã từng sống trong chế độ mẫu hệ và người phụ nữ là cột trụ gia đình. Điều này vẫn còn tồn tại với một số phụ nữ thiểu số như phụ nữ Chăm. Trong chiến tranh thế kỷ trước, phụ nữ đã đóng một vai trò rất quan trọng trong mọi lãnh vực xã hội trong khi nam thanh niên phải đi chiến đấu ở hai miền. Một dấu hiệu khá thú vị là ở Mỹ,đa số quý bà người Việt vẫn giữ họ của mình thay vì lấy họ của chồng lúc làm hôn thú. Chỉ có điều bất tiện là nếu vợ khác họ chồng, người Mỹ da trắng sẽ đặt câu hỏi có thật vợ chồng hay không. Tuy nhiên, hiện nay ở VN, các bà vẫn phá thai nhiều lúc biết mang thai con gái, và cảnh làm dâu thời Tự Lực văn Đoàn vẫn còn được thấy nhắc tới nhiều trên báo VN, và lúc túng tiền hay muốn đua đòi, các cha mẹ vẫn đẩy con gái mình đi vào đường lấy chồng giàu nước ngoài, hay tệ hơn, theo lối Kiều bán mình chuộc cha.

Chuyện hai bà Trưng cởi voi chống Thái Thú Tô Định, dành độc lập, đóng đô ở Mê Linh, cho đến khi bị danh tướng Mã Viện của Tàu dẹp đi thì chúng ta ai cũng biết không nhiều thì ít. Nhưng trong bối cảnh của bài diễn văn, có lẽ Obama đã dụng ý dùng một viên đạn bắn hai ba con chim: vừa ca tụng phụ nữ (galant), vừa binh vực nữ quyền, đề cao bình đẳng trong giáo dục với lợi ích kinh tế của nó, vừa nhắc nhở đến mối hận 2000 năm của dân tộc VN: "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt"

4) Phan Chu Trinh là một nhân vật như thế nào?

It's one of the reasons why we're very excited that this fall, the new Fulbright University Vietnam will open in Ho Chi Minh City -- this nation’s first independent, non-profit university -- where there will be full academic freedom and scholarships for those in need.  (Applause.)  Students, scholars, researchers will focus on public policy and management and business; on engineering and computer science; and liberal arts -- everything from the poetry of Nguyen Du, to the philosophy of Phan Chu Trinh, to the mathematics of Ngo Bao Chau.

 

“Đó là một trong những lý do làm chúng ta rất nao nức về chuyện mùa thu này, Đại học Fulbright Việt Nam,  một đại học mới, sẽ khai trương ở TP HCM -- đại học tự trị, bất vụ lợi đầu tiên của đất nước này-- nơi đó sẽ có tự do học thuật hoàn toàn, và học bổng dành cho những sinh viên cần giúp đỡ. Sinh viên, học giả, nhà khảo cứu sẽ tập trung vào chính sách công và quản trị và kinh doanh; vào khoa học kỹ thuật và máy tính; và các ngành nghệ thuật tự do [nhân văn]--mọi thứ từ thơ của Nguyễn Du, đến triết học Phan Chu Trinh, đến toán học của Ngô Bảo Châu.” (Hồ Văn Hiền dịch)

 

Đầu thế kỷ thứ 20, hai nhà cách mạng họ Phan của chúng ta chủ trương hai đường lối khác nhau để cứu nước. Phan Bội Châu muốn dùng bạo động võ trang chống người Pháp, nói một cách khác là tiếp tục cuộc tranh đấu bằng võ lục của phong trào  Cần Vương, từ thời vua Hàm Nghi. Chiến lược của họ là cho người qua Nhật học (phong trào Đông du) và trông cậy Nhật giúp đở về quân sự, vì lúc đó Nhật vừa thắng Trung Hoa và luôn Nga. Phan Chu Trinh (1872-1926), người Quảng Nam, ngược lại chủ trương bất bạo động, nhìn thấy rõ những điểm yếu của người dân Việt thời bấy giờ, cũng như nhìn nhận được những ưu điểm của văn minh Pháp, cần phân biệt với thực dân Pháp thuộc địa. Ông đỗ Phó bảng cùng lúc với ông Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ ông Hồ Chí Minh. Thân phụ PCT từng theo cần vương nhưng bị chính Cần Vương giết vì nghi oan là phản. Phan Chu Trinh cùng những khoa bảng cùng thời như Trần Quý Cáp, Huỳnh thúc Kháng đi theo đường lối ôn hoà hơn vì họ biết người Việt còn quá yếu, chưa đủ khả năng để lấy trứng chọi đá , bằng đường võ lực. Ông cũng qua Nhật tìm hiểu, nhưng thay vì gởi sinh viên qua Nhật, ông muốn gở bỏ hệ thống khoa cử quá lổi thời của VN, lập một nên giáo dục quốc dân thực dụng bằng chữ quốc ngữ, dạy các kiến thức căn bản về lịch sử , văn chương , khoa học và vệ sinh, theo gương nhà giáo dục Nhật Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Ông từng bị Pháp đày ra Côn Đảo vì có liên hệ đến các cuộc đình công. Sau đó ông vận động để qua Pháp và ở đó 14 năm, quan sát và học hỏi.

Ông viết: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường...”.

Học giả Hoàng Xuân Hãn phân tích: “Sau khi phong trào Cần vương bị đàn áp tan rã hoàn toàn, Phan Châu Trinh đã đi sâu nghiên cứu những nhược điểm cơ bản về văn hóa, xã hội Việt Nam. Cụ thấy rõ nguyên nhân sâu xa đã đưa đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây. Phan Châu Trinh đã đưa ra một đường lối mới để tìm lối thoát cứu nước...”.

Đường lối mà Phan Châu Trinh tìm ra: “Chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Sự giải thoát của chúng ta nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ”.

“Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan, biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm mà mình không hành động, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường”.

“Dân trị tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà nước hay người thường đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do bước tới bao nhiêu cũng được, không ai ngăn trở cả”.(trich Tuoi Tre)

Giải thưởng Phan Chu Trinh (GTPCT) của Việt Nam, do quỹ PCT với Bà Nguyễn Thị Bình, cháu ngoại PCT làm chủ tịch, có vẻ như là một biểu hiện của tư tưởng canh tân , xét lại trong các giá trị văn hoá, giáo dục tại VN: các giải thưởng được trao cho các nhà giáo dục Pháp. Mỹ, hay Việt Kiều như Lê Thành Khôi, Trần Văn Khê, Trịnh Xuân Thuận (2016). Năm GT PCT cũng vinh danh Nguyễn Văn Vĩnh, một người trước đây bị kết án là theo Pháp, bán nước.

Theo Gs. Peter Zinoman, chuyên ngành sử Việt thuộc khoa Sử của Đại học Berkeley, California, (người dịch tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, cùng với bà vợ người Việt), là người được yêu cầu góp ý cho ông Obama để viết bài diễn văn: “Tôi đã không đề nghị Phan Châu Trinh [cho TT Obama nhắc đến trong bài diễn văn]. Nhưng tôi nghĩ ông cũng là một nhân vật đáng được nhắc đến. Là một người cải cách và ủng hộ cho một nền dân chủ, cho dân được nhiều quyền hơn trong thời đại của mình, ông chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng ông cũng ngưỡng mộ những nguyên lý trong văn hoá chính trị châu Âu và ông tin rằng một số nguyên lý đó có thể áp dụng một cách chọn lựa cho Việt Nam.”

Nhân buổi nói chuyện này, tôi có đọc bài diễn văn của Obama ở Cuba, trong đó ông trích dẫn nhà thơ José Martí, nhà cách mạng người Cuba thế kỷ thứ 19.

““Cultivo una rosa blanca.” In his most famous poem, Jose Marti made this offering of friendship and peace to both his friend and his enemy.  Today, as the President of the United States of America, I offer the Cuban people el saludo de paz.” 

 

"Hãy trồng một hoa hồng màu trắng". Trong bài thơ nổi tiếng nhất của ông, Jose Marti đã gởi lời chào hữu nghị và hòa bình cho bạn cũng như thù của mình. Hôm nay, với tư cách là Tổng thống của Hoa Kỳ, tôi xin gởi đến nhân dân Cuba lời chào hoà bình." (Hồ Văn Hiền dịch)

 

Tuy cũng là người ái quốc muốn giải phóng dân tộc mình, nhưng cũng có một thái độ tương tự đối với các giá trị của văn minh Tây phương, Martí từng theo học ở Tây Ban Nha (Spain) đang là chủ thuộc địa của Cuba, và phục Mỹ mà ông ngưỡng mộ tinh thần làm việc chăm chỉ và dân chủ nhưng ông e ngại tham vọng đế quốc của Mỹ. Ông chết trong lúc tham chiến  chống Tây Ban Nha. Năm 1983, Mỹ lập một đài phát thanh và truyền hình (1990) Radio Marti , TV Marti để phát qua Cuba, mục đích chống cọng.

Có thể nói, Obama lúc sang Việt nam, đã đem nhà thơ số một Việt nam Nguyễn Du và nhà cách mạng muốn dung hoà đông tây Phan Châu Trinh thay thế cho Jose Marti.

5) - Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh (2/9/1945):

Thật ra, tính đến ngày 2 tháng 9, Việt nam đã được Bảo Đại một lần tuyên bố độc lập mấy tháng trước đó.

Việt Nam, trong đệ nhị thế chiến, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam vẫn theo chính phủ của Thống tướng Pétain (khác với chính phủ lưu vong France Libre, "Nước Pháp Tự do" của tướng Charles de Gaulle, theo đồng minh Anh - Mỹ-Liên Xô).Từ 1941, quân Nhật kiểm soát Đông Dương nhưng chỉ sau hậu trường và để cho người Pháp chính thức cai trị. Cho đến năm 1945, lúc tình hình chiến tranh ở Thái Bình Dương bất lợi, chính bản thân nước Nhât bị đe doạ, người Nhật đảo chính chính quyền thuộc địa Pháp của Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux ngày 9 tháng 3, giao cho vua  Bảo Đại thiết lập một thể chế mới không còn phụ thuộc với nước Pháp. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, có chữ ký của 6 vị thượng thư của cơ mật viện trong đó có nhà văn Phạm Quỳnh.

“Cứ theo tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập.”

Ngày 17 tháng 4, 1945, nội các mới được thành lập,  đứng đầu là Trần Trọng Kim (tác giả cuốn sử "Việt Nam Sử Lược”). Quốc hiệu mới là "Đế quốc Việt Nam", với Bảo Đại là "Hoàng Đế". phương châm trị quốc "Dân Vi Quý". Có hai thủ đô: Huế là "đế đô" và Hà Nội là "quốc đô". Cờ : nền vàng với ba sọc đỏ song song, với sọc thứ nhì gián đoạn ở giữ, theo hình quẻ Ly của kinh Dịch (quẻ Ly tượng trưng cho phương Nam). 

Chế độ này chỉ tồn tại cho đến ngày 23 tháng 8, lúc Bảo Đại thoái vị, trao quyền cho Việt Minh tại Huế. Sau đó Việt Minh đưa ra bản tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 tại Hà Nội.

Tuy chỉ tồn tại trong 4 tháng, chính phủ Trần Trọng Kim đã đi những bước đầu trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam mới trong việc thu hồi Nam Kỳ và các thành phố nhượng địa như Đà nẵng, Hà Nội, áp dụng tiếng Việt trong toàn bộ các trường học, và Việt nam hóc hệ thống hành chánh toàn quốc , trước đây do người Pháp nắm giữ.

Bản tuyên ngôn  độc lập của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9, 1945  gồm 3 phần:
Phần 1: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn:

Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp (1791)

Phần 2: Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn.
Kế tôi của thực dân Pháp và của quân Nhật tại Việt Nam

Phần 3: Lời tuyên bố độc lập

Thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

(Theo wikipedia)

“Hỡi đồng bào cả nước,
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"...(HCM)

Chúng ta cũng nên nhớ rằng, trong lịch sử các nứoc trên thế giới, những giờ phút tuyên ngôn độc lập  nghe thì  vẻ vang, nhưng trên thực tế, những giai đoạn đi theo các tuyên ngôn độc lập đều là những năm tháng loạn ly, xung đột, có lúc nội chiến đẩm máu như ở Việt Nam sau 1945 hay sau tuyên ngôn độc lập năm 1776 ở Hoa Kỳ. Như tướng de Lattre từng nói với thanh niên VN trong bài diễn văn năm 1951 tại trường Chasseloup, Saigon, độc lập cũng như một ngôi nhà bằng giấy, phải cân được che chở nắng mưa, bão táp, và thanh niên phải là những cột trụ , rường cột của ngôi nhà đó. Đó là chưa nói đến tự do, cho bản thân mình còn dễ, cho người khác nhất là tự do cho người không cùng chính kiến, lại càng khó hơn.

Ngoài ra vai trò của thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes Patti (OSS: Office of Strategic Services) trong giai đoạn này cũng thú vị. Hình như ông là người gợi ý cho ông HCM về trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ trong tuyên ngôn độc lập.(1)

Sau đây là vài đoạn trích những văn kiện quan trọng về nhân quyền để so sánh:

US Declaration of Independence

We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness. ..--That whenever any Form of Government becomes destructive of these ends, it is the Right of the People to alter or to abolish it, and to institute new Government, laying its foundation on such principles and organizing its powers in such form, as to them shall seem most likely to effect their Safety and Happiness.

(The US Declaration of Independence by the second continental congress on 7/4/1776; initial draft by Thomas Jefferson)

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. ..Rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì Nhân Dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một Chính Quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với An ninh và Hạnh phúc của họ.” (Thomas Jefferson, bản dịch của Hoaky.org)

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 :

Article premier.

(Điều một)

Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits. Les distinctions sociales ne peuvent être fondées que sur l’utilité commune.

(Mọi người, lúc sinh ra và sau đó cũng vẫn như vậy, tự do và bình đẳng về quyền lợi. Các phân biệt xã hội chỉ được cơ sở trên lợi ích chung)

II.

Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l’Homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l’oppression.

(Mục đích của mọi liên kết chính trị là bảo vệ những quyền tự nhiên và không thể lấy mất được của Con Người. Những quyền này là tự do, quyền tư hữu, quyền được sống an toàn và quyền kháng cự đàn áp.)

IV.

La liberté consiste à pouvoir faire tout ce qui ne nuit pas à autrui : ainsi l’exercice des droits naturels de chaque homme n’a de bornes que celles qui assurent aux autres Membres de la Société, la jouissance de ces mêmes droits. Ces bornes ne peuvent être déterminées que par la Loi.

(Tự do có nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì không hại đến người khác: do đó, hành xử các quyền tự nhiên của mỗi người chỉ bị giới hạn bởi những giới hạn bảo đảm cho những Thành viên khác của Xã hội được hưởng thụ cũng những quyền ấy. Những giới hạn ấy chỉ có thể được xác định bởi Luật Pháp. )

V.

La Loi n’a le droit de défendre que les actions nuisibles à la Société. Tout ce qui n’est pas défendu par la Loi ne peut être empêché, et nul ne peut être contraint à faire ce qu’elle n’ordonne pas.

(Luật Pháp chỉ có quyền cấm những hành động có hại cho Xã hội. Bất cứ những gì Luật pháp không cấm thì không thể bị ngăn cản, và không ai có thể bị ép buộc làm điều mà Luật Pháp không ra lịnh phải làm.)

Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967

ĐIỀU 2         

1- Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân
2- Quốc Gia chủ trương sự bình đẳng giữa các công dân không phân biệt nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, đảng phái. Đồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến bộ chung của dân tộc.
3- Mọi công dân có nghĩa vụ góp phần phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc.

Magna Carta
1215 (Anh)

“Hiến chương quy định quyền đi lễ nhà thờ mà không bị chính quyền can thiệp, quyền sở hữu và thừa kế tài sản của tất cả các công dân tự do và quyền không bị đánh sưu cao thuế nặng. Văn kiện cũng xác lập quyền tự do hôn nhân cho những góa phụ có tài sản, và xác lập các nguyên tắc tố tụng cũng như quyền bình đẳng của người dân trước pháp luật.”
“Được coi là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của nền dân chủ hiện đại, Hiến chương Magna Carta đánh dấu một bước ngoặt trọng yếu trong cuộc đấu tranh vì tự do.”
(theo luatkhoa.org)

6) Truyện Kiều chỉ là một câu chuyện "Mua vui cũng được một vài trống canh", tại sao thơ văn trong Truyện Kiều lại được đem ra dùng trong bài diễn văn?

And many years from now, when even more Vietnamese and Americans are studying with each other; innovating and doing business with each other; standing up for our security, and promoting human rights and protecting our planet with each other -- I hope you think back to this moment and draw hope from the vision that I’ve offered today.  Or, if I can say it another way -- in words that you know well from the Tale of Kieu -- “Please take from me this token of trust, so we can embark upon our 100-year journey together.”  (President Obama)

 

“Và nhiều năm sau, khi mà còn nhiều người Việt và người Mỹ hơn nữa cùng học tập với nhau; canh tân và kinh doanh với nhau; đứng lên tranh đấu cho an ninh của chúng ta, và cùng nhau cổ động nhân quyền và  bảo vệ hành tinh chúng ta--tôi hy vọng các bạn nhớ đến giây phút này và viễn ảnh mà tôi đem lại hôm nay sẽ là nguồn hy vọng cho các bạn. Hoặc là, nếu tôi được diễn tả một cách khác--theo ngôn ngữ chuyện Kiều rất thân thuộc với các bạn:

 

Rằng: "Trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi." (HVH dịch)  

Sau đây là đoạn Kiều  được TT Obama nhắc đến:

Rằng: "Trong buổi mới lạ lùng,

Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang! (350)

Ðã lòng quân tử đa mang,

Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung."

Ðược lời như cởi tấm lòng,

Giở kim hoàn với khăn hồng trao tay.

Rằng: "Trăm năm cũng từ đây, (355)

Của tin gọi một chút này làm ghi."

Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ,

Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.

Một lời vừa gắn tất giao,

Mái sau dường có xôn xao tiếng người.

Tôi nghĩ, "mua vui cũng được một vài trống canh" có thể vì tác giả nhún nhường mà cũng có thể đây là một cách để cho các "thế lực kiểm duyệt", "tuyên huấn' thời quân chủ Khổng Mạnh (Gia Long) không chú ý đến khía cạnh nổi loạn của tác phẩm. Chúng ta nên nhớ trường hợp Nguyễn Văn Thành, một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn đồng thời là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên, vua Gia Long, của triều Nguyễn. Chỉ vì một câu hớ hên trong bài thơ của con ông, Nguyễn Văn Thuyên, mà hai cha con đều phải chết thê thảm:

Sơn tể phen này dù gặp gỡ,

Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.(2)

Còn về giá trị đích thực của chuyện Kiều, bao nhiêu học giả đã bàn cả trăm năm nay. Chúng ta đã nghe các cụ nói:

Làm trai chớ kể Phan Trần

Làm gái chớ đọc Thuý Vân Thuý Kiều (3)

Nhà Khổng học như Cụ Huỳnh Thúc Kháng  gọi là "con đĩ Kiều", Phạm Quỳnh thì nói "Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn", Đặng Tiến thời chiến tranh TK 20 thì nhìn thấy chủ nghĩa hiện sinh trong nhân vật Kiều. Hiên nay có người nhìn vào các cô dâu Việt đi lấy chồng Hàn, Đài Loan cũng nghĩa đến thân phận Kiều bán mình chuộc cha và tự hỏi có phải vì tâm lý Kiều đã đi sâu ào tiềm thức phụ nữ Việt hay không? Chúng ta từng bói Kiều, và cứ nhìn vào đoạn nào lúc lật sách, chúng ta cũng có thể thấy hoàn cảnh mình ở trong đó. Như cái “Rorschach test” trong tâm lý học, đối với dân tộc chúng ta, nam cũng như bắc, cọng sản hay quốc gia, Kiều đã trở thành tấm gương soi chung , qua đó chúng ta cảm nhận thân phận của chính mình theo tiềm thức và kinh nghiệm hay trải nghiệm đời của mỗi người.

Trước TT Obama, phó tổng thống Mỹ Joe Biden lúc tiếp TBTDCS Nguyễn Phú Trọng tại tư gia đã từng lẩy Kiều:

 “Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Và cách đây 15 năm, trong chuyến đi lịch sử qua Việt Nam , Bill Clinton cũng đã khôn khéo dùng một câu của chuyện Kiều:

 Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân  (4)

Nhưng so với hai lẩn  kia, hai câu của Obama dùng, lấy lời thề thốt trăm năm giữa hai người "teen agers", nhân lúc cha mẹ đi vắng lén lút gặp nhau và hẹn hò với nhau thì thật là tình tứ, đầy hứa hẹn mà có thể cũng như Kiều, còn lắm gian truân mới đến ngày đoàn viên:

Thay lời kết:

Chủ đề viếng thăm của Obama là "hoà giải", kết thân và các ẩn dụ, lời văn câu thơ, nhân vật lịch sử được trích dẫn đều hướng về mục tiêu đó. Chúng ta là những người đã qua mấy chục năm biển thành nương dâu, Việt thành Mỹ, lạ thành thân, nhìn vào cũng thú vị.

Nhìn chung triết lý mà Obama đem về Việt nam cũng đã nằm sẳn trong văn hoá chúng ta xưa cũng như nay. Khổng giáo vẫn nhắc nhở "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", Phật giáo cũng dạy" Hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi"; người Pháp cũng nói 'Aide -toi le ciel t'aidera"...Trong đoạn cuối bài diễn văn hướng về thế hệ mới của Việt nam mà theo ông có đủ những yếu tố để thành công nếu họ muốn:

"I think of a new generation of Vietnamese -- so many of you, so many of the young people who are here -- who are ready to make your mark on the world.  And I want to say to all the young people listening:  Your talent, your drive, your dreams -- in those things, Vietnam has everything it needs to thrive.  Your destiny is in your hands.  This is your moment.  And as you pursue the future that you want, I want you to know that the United States of America will be right there with you as your partner and as your friend.  (TT Obama)

Tôi đang nghĩ đến một thế hệ người Việt mới--  biết bao nhiêu người trong các bạn, bao nhiêu người trong số người trẻ có mặt ở đây hôm nay-- những người sẳn sàng để lại dấu vết của mình trên thế giới này. Và tôi muốn nói với tất cả những người trẻ đang lắng nghe: Tài năng các bạn, chí hướng của các bạn, giấc mơ của các bạn-- những điều đó, Việt Nam có đủ mỗi thứ cần thiết để thịnh vượng. Vận mệnh của các bạn nằm trong tay các bạn. Đây là giây phút của các bạn.”

Nhân dịp một vị  tổng thống Mỹ, tự nhận là người da đen (tuy mẹ ông người da trắng, có lẽ như vậy người VN ít thấy bị “đe doạ” hơn là khi gặp TT Bush là "con dòng cháu giống" Mỹ trắng), đại diện cho nước Mỹ "tiến bộ" hơn trước (trong đó có hơn môt triệu người Mỹ gốc Việt), đến thủ đô Việt Nam, rao giảng về văn hoá Việt Nam, và lịch sử tự chủ lâu đời, và  biện hộ cho quyền làm người của người Việt, cũng nhân nói về Kiều, chúng ta thử  bói Kiều xem:

Rằng hay thì thật là hay, (490)

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào! 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày Lễ Độc Lập Mỹ,

 4 tháng 7 năm 2016

(Một phần nội dung bài này được trích từ buổi phỏng vấn trong chương trình Văn Hoá Việt của nữ sĩ Quý Linh phụ trách, trên Đài phát thanh Saigon-Houston, Texas, ngày 23 tháng 6 năm 2016. )

Chú thích và tài liệu tham khảo:

1)Archimedes Patti (1913-1998)

Patti met with Ho Chi Minh on August 26, 1945 over lunch at his residence in Hanoi and several days later Ho Chi Minh read a draft of the Vietnamese Proclamation of Independence to him and Patti offered several corrections on what he perceived to be a near copy of the American Declaration of Independence.On September 2, 1945 Ho Chi Minh soon declared independence and following that Patti had dinner with Ho Chi Minh. In the fall of 1945 the French Colonial forces were returned to Indochina on U.S. manned Liberty Ships.

Patti left Hanoi at the end of September, 1945 after the French alleged that the Americans had been fomenting a revolution there. (Wikipedia)

2) "Năm Ất Hợi 1815, người con trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên cũng chính là phò mã của vua Gia Long, thi đỗ hương cống. Vốn là người hâm mộ văn chương, ông Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ lại nghe nói có hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng là hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng, thơ dịch nghĩa là:

Ái-châu nghe nói lắm người hay,

Ao ước cầu hiền đã bấy nay.

Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,

Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay.

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

Sơn tể phen này dù gặp gỡ,

Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.

Một số người vốn có tị hiềm với ông dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua.

Mọi việc kêu oan của ông đều không được Gia Long minh xét. Ông hiểu rằng:"Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung.", di biểu để lại còn ghi: "sớm rèn tối luyện dệt thành cái tội rất độc ác cho cha con thần, không biết kêu oan vào đâu, chỉ chết mà thôi". Ông bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi, con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém.)(Wikipedia)



3) Theo Wikipedia:  Phan Trần (潘陳, họ Phan và họ Trần) là một truyện thơViệt Nam bằng chữ Nôm, dài 954 câu theo thể lục bát, không rõ tác giả là ai, và có lẽ ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 19.

4) Theo Cúc Đường

“Như một tất yếu, từ hai câu Kiều mà Joe Biden đọc, câu chuyện về lần "lẩy Kiều" 15 năm trước của Bill Clinton lại được báo giới khai thác tận tình. Khi ấy, trong chuyến thăm Việt Nam, vị Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ cũng mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Tiên Điền ( Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân ) trước khi có những lời phát biểu trang trọng: "Những ký ức băng giá về quá khứ bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành...".

Trích dẫn hai câu Kiều này, hẳn Bill Clinton cũng không ngờ: 13 năm sau, lời phát biểu của ông đã trở thành một phần trong... hồ sơ đề nghị vinh danh Nguyễn Du, được VN gửi lên UNESCO. Khi đó, ban soạn thảo hồ sơ dẫn lại lần "lẩy Kiều" của nguyên Tổng thống Mỹ như một minh chứng tiêu biểu cho tầm ảnh hưởng Đông Tây của tác phẩm này.”

5) Wikipedia: Đế quốc Việt Nam

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%BF_qu%E1%BB%91c_Vi%E1%BB%87t_Nam#S.E1.BB.A5p_.C4.91.E1.BB.95

(accessed 7/3/2016)