"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Trúc Tiên Trong Điệu Oán Khúc Nhạc Uyên Ương

 

20 Bản Tổ của Đàn Ca Tài Tử được chia thành 4 thể : Nam, Bắc, Hạ và Oán ; thì Tứ Đại Oán là 1 trong 4 bài Oán mang âm điệu sâu thẳm, buồn bã nỉ non, biến thể từ Tứ Đại Cảnh, mà theo tương truyền, không biết đúng sai ra sao, rằng Tứ Đại Cảnh do chính vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi cảnh sắc 4 mùa của trời đất bao gồm Xuân-Hạ-Thu-Đông. 

Vào hậu bán thế kỉ XIX, khi các nhạc quan lánh nạn mang theo Nhã Nhạc Cung Đình xuôi nam, từ đấy nảy sinh thể loại Đàn Ca Tài Tử. Những năm đầu thế kỉ XX Tứ Đại Oán chiếm vị trí quan trọng trong lòng khán giả, không thể thiếu trong các vở Cải Lương từ thuở sơ khai. Mãi cho đến khoảng năm 1920 nhạc sĩ Cao văn Lầu cho ra đời bài Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân các bài Vọng Cổ nhịp 4, 8, 16…, ảnh hưởng của Tứ Đại Oán mới nhạt dần.

Trúc Tiên sinh quán tại Mỹ Tho, là “cái nôi” của Đàn Ca Tài Tử nên mặc dù theo gia đình sang Pháp định cư từ năm lên 11 tuổi cô đã thấm nhuần chất liệu Đàn Ca Tài Tử “từ trong máu”, như thể “điệu hát ru con” trong tâm thức. 

Khác với chất giọng kim (soprano) của đại đa số ca sĩ thể loại Đàn Ca Tài Tử mà chúng ta vẫn thường thưởng thức, giọng thổ (alto) trong và với lối diễn đạt cách tân Trúc Tiên gửi đến giới điệu nghệ âm hưởng mới, chút gì Blue ; một ít những ngân nga pha vào luyến láy, khi khép lúc mở ; nhặt hơn mà vẫn du dương, vẫn trĩu buồn nhưng đằm thắm ; có nhấn trũng có nhẹ lơi mà lạ ; vẫn cổ truyền dân tộc, lại khác. Mơn man như gió mùa viễn xứ…

Tứ Đại Oán : lớp 1, lớp hồi thủ

Khúc Nhạc Uyên Ương

Tác giả : Hoàng Song Việt

Tiếng hát : Trúc Tiên

Ban nhạc : Út Tỵ (đàn kìm), Duy Kim (đàn tranh), Văn Môn (guitare phím lõm), Huỳnh Tuấn (đàn bầu) và Minh Hoàng (đàn cò)

 Khúc Nhạc Uyên Ương - Trúc Tiên - YouTube

Vũ Hạ