"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

 

Mộ Ông Phan Văn Trị

(Di tích lịch sữ)

 

 20Blhumo1

Hình 1, Cổng miếu thờ cụ Phan Văn Trị

Người Tỉnh Gia Định, sinh năm 1830 và mất năm 1910 tại làng Nhơn Ái. Ông đậu Cử Nhân năm 1849, không ra làm quan. Những bạn bè thân quen thân mật gọi Ông là Cữ Trị. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông Ông lui về Bến Tre hợp cùng ông Đồ Chiểu cố vấn cho nghĩa quân chống Pháp. Trong khi đó ông Tôn Thọ Tường là một nhà nho ra hợp tác với Pháp. Ông làm thơ kêu gọi sĩ phu ra làm việc với tân trào:

Tự thuật

Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây

Trời đất xui chi đến nổi này

Chớp nhoáng thẳng bon đường thép kéo

Mây tuôn đen kịt khói tàu bay

Xăng văng chậm tính thương đòi chổ

Khấp khởi riêng lo biết những ngày

Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc

Khuyên đàn con trẻ chớ thài lay!

Tôn Thọ Tường

Ông Phan Văn Trị họa lại bài thơ trên mở đầu cho cuộc bút chiến lôi kéo nhiều sĩ phu tham gia, Ông Phan Văn Trị được mọi người tán thưởng nể phục.

Tự thuật

Hơn thua chưa quyết đó cùng đây

Chẳng đã nên ta phải thế này

Bến nghé quản bao cơn lửa cháy

Cồn rồng dù mặc bụi tro bay

Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở

Bủa lưới săn nai cũng có ngày

Đừng mượn hơi hùm rung nhác khỉ

Lòng ta sắc đá há lung lay!

Phan Văn Trị

20Blhumo2

 

Hình 2, Tượng cụ Phan Văn Trị trong miếu thờ

Sau khi Pháp chiếm Vĩnh Long (Bến Tre còn thuộc Vĩnh Long) Ông Phan Văn Trị tản cư về làng Nhơn Ái. Ông kết giao với các ông Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, … tiếp tục yểm trợ tinh thần cho nghĩa quân ở Miền Hậu Giang.

Ông mất ngày 22-6-1910 nhằm ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất, được mai táng trên đất ông Cai Tổng Chiểu, nay là phần đất của ông Lê Quang Thừa (cháu nội ông Chiểu) tại ấp Nhơn Lộc I, làng Nhơn Ái, gần vàm rạch Trà Niềng Bé.

Trước năm 1975, mộ ông Phan Văn Trị là ngôi mộ đất đơn sơ. Năm 1985, mộ ông được xây cất lại khang trang. Năm 1991, Sở Văn Hóa công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 2005, lần nữa được trùng tu để trở thành điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan.

20Blhumo3

Hình 3, Mộ Ông Phan Văn Trị và bà Đinh Thị Thanh

Theo gia phả họ Đinh vợ ông Phan Văn Trị là bà Đinh Thị Thanh, trong giòng họ ông Đinh Sâm một lãnh tụ kháng Pháp (1868) tại vùng Ba Láng chạy dài đến Cầu Nhiếm - Ba Se.

    • Ông Đinh Văn Sử là cháu ông Đinh Sâm, vợ là bà Huỳnh Thị Thu, có 8 người con:

+ Người con thứ 4 là ông Đinh Văn Trung, có 2 người con là:

-        Bà Đinh Thị Thanh, vợ ông Phan Văn Trị.

-        Bà Đinh Thị Hương

+ Người con thứ 8 là ông Đinh Văn Tú, là ông nội của ông Mười Bé (Đinh Văn Bé) ở rạch Trà Niềng (2002).

Ông Phan Văn Trị có 4 người con, và cháu, chít của Ông hiện nay có nhiều người hiện đang sinh sống tại Phong Điền.

20Blhumo4

Hình 4, Bên trong khung viên mộ cụ Phan Văn Trị

Lê Hữu Uy

Phoenix, Arizona – June 20, 2020