"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

 

 

Ernest Hemingway Và Nỗi Cô Đơn Của Lão Ngư Ông

 

Ngày 21 tháng 7 năm 2020 kỷ niệm sinh nhật thứ 121 của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway, theo www.en.wikipedia.org.

Trong diễn văn được thu âm và phát lại trong lễ trao Giải Nobel Văn Chương ngày 10 tháng 12 năm 1954, nhà văn Hemingway nói rằng, “Viết lách, tốt nhất, là sống cô đơn.”

Khoảng 100 năm trước đó, nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) đã viết rằng, “Tôi chưa bao giờ tìm thấy người bạn đồng hành thân thiết như sự cô đơn.”

Nhà văn Thoreau đã sống ẩn dật trong một túp lều ở Walden Pond tại tiểu bang Massachusetts để viết tác phẩm nổi tiếng “Walden” vào năm 1854. Nhà văn người Anh George Orwell (1903-1950) sống một mình trong túp lều trên đảo Hebridean của Tô Cách Lan để viết kiệt tác cuối đời của ông “Nineteen Eighty-Four” vào năm 1949. Trong khi nhà văn người Mỹ Mark Twain (1835-1910) thì sống trong túp lều ở góc vườn nhà ông và không cho ai vào đó.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) của Việt Nam đã có lần cảm nhận nỗi cô đơn trong một đêm mưa lạnh trong bài thơ “Một Cõi Quên”:

“Đêm ấy lại đêm thức với trăng

Mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng

Cô đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ

Đêm rất riêng mình – Một cõi quên!”

Cô đơn có lẽ là chất liệu sung mãn nhất cho sự sáng tác của những ngưởi cầm bút.

Khi viết, người cầm bút sống trọn vẹn trong thế giới của riêng mình. Họ không muốn bất cứ ai, bất cứ điều gì, bất cứ ngoại cảnh nào chi phối hay có thể lôi kéo họ ra khỏi cái thế giới sáng tạo đầy hứng thú mà họ đang bơi lội trong đó. Càng say mê viết họ càng lặn sâu vào cõi cô đơn. Nỗi cô đơn càng mãnh liệt bao nhiêu thì sự sáng tạo của người cầm bút càng độc đáo bấy nhiêu. Trong cô đơn cùng cực thì sự sáng tạo mới đủ sức để khai sinh ra được đứa con tinh thần độc đáo mang thể chất nguyên vẹn của chính nhà văn mà không phải là phó sản của bất cứ từ đâu khác.  

Ernest Hemingway là loại người như thế. Đặc biệt khi ông viết cuốn tiểu thuyết “The Old Man and The Sea” [Ông Lão và Biển Cả], mà ở VN trước năm 1975 hai nhà văn nữ Phùng Khánh và Phùng Thăng đã dịch sang tiếng Việt với tựa để “Ngư Ông và Biển Cả.”

Ernest Hemingway

Ernest Miller Hemingway sinh ngày 21 tháng 7 năm 1899. Ông là ký giả, tiểu thuyết gia, người viết truyện ngắn, và nhà thể thao.

Hemingway lớn lên tại thành phố Oak Park thuộc tiểu bang Illinois. Sau khi học xong trung học, ông làm phóng viên vài tháng cho tờ báo The Kansas City Star trước khi đi đầu quân làm tài xế xe cứu thương tại Chiến Trường Ý trong Thế Chiến Thứ Nhất. Vào năm 1918, ông bị thương nặng và đã trở về nhà. Kinh nghiệm chiến tranh đã hun đúc cho ông để viết cuốn tiểu thuyết “A Farewell to Arms” được xuất bản năm 1929.

Năm 1921, Hemingway lập gia đình với Hadley Richardson, là người vợ đầu trong số 4 bà vợ của ông. Họ tới Paris nơi ông làm phóng viên ngoại quốc và chịu ảnh hưởng của những nhà văn và nghệ sĩ hiện đại của cộng đồng tha hương “Thế Hệ Bị Mất” [Lost Generation] vào thập niên 1920s. Tiểu thuyết đầu tay của ông “The Sun Also Rises” được xuất bản vào năm 1926. Ông đã ly dị Richardson vào năm 1927 và lấy Pauline Pfeiffer; họ lại li dị sau khi ông trở về từ Cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, nơi ông đã làm phóng viên. Từ kinh nghiệm đó ông viết cuốn “For Whom the Bell Tolls” được xuất bản vào năm 1940. Martha Gellhorn trở thành người vợ thứ ba của ông trong năm 1940; họ đã chia tay sau khi ông gặp Mary Welsh tại London trong Thế Chiến Thứ Hai. Ông đã cùng có mặt với các binh sĩ qua nhiệm vụ phóng viên trong cuộc đổ bộ Normandy và giải phóng Paris.

Hemingway sáng tác hầu hết các tác phẩm của ông từ giữa thập niên 1920s tới giữa thập niên 1950s, và ông đã đoạt được Giải Nobel Văn Chương vào năm 1954. Ông đã xuất bản 7 cuốn tiểu thuyết, 6 tuyển tập truyện ngắn, và 2 tác phẩm không hư cấu. 3 cuốn tiểu thuyết, 4 tuyển tập truyện ngắn, và 3 tác phẩm không hư cấu đã được xuất bản sau khi ông qua đời. Nhiều tác phẩm của ông được xem như là kinh điển của văn học Mỹ. Ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến tiểu thuyết thế kỷ 20. Lối sống phiêu lưu và hình tượng trước công chúng của ông đã khiến cho nhiều thế hệ đi sau ngưỡng mộ ông.

Hemingway là cư dân thường trú tai thành phố Key West thuộc tiểu bang Florida trong thập niên 1930s và tại Cuba trong các thập niên 1940s và 1950s. Ông đã thoát chết sau 2 lần rớt máy bay trong nhiều ngày. Các tai nạn này làm cho ông đau đớn và bệnh hoạn trong thời gian sau này của cuộc đời ông. Vào năm 1959, ông mua căn nhà tại thành phố Ketchum thuộc tiểu bang Idaho, nơi ông tự tử chết vào giữa năm 1961.

Hemingway trở lại Ketchum vào tháng 4 năm 1961, ba tháng sau khi ra khỏi bệnh viện Mayo Clinic, khi Maray “phát hiện Hemingway cất một khẩu súng ngắn” trong nhà bếp vào một buổi sáng nọ. Cô đã gọi cho Saviers, người đã thuyết phục và đưa ông tới Bệnh Viện Sun Valley Hospital. Từ bệnh viện này sau đó ông đã được chở tới Mayo để điều trị thêm bằng điện. Ông đã được cho về vào cuối tháng 6 và đến nhà ở Ketchum vào ngày 30 tháng 6. Sau đó ông “đã cố tình” tự sát bằng khẩu súng ngắn mà ông ưa thích vào sáng sớm ngày 2 tháng 7 năm 1961. Ông đã mở cửa phòng chứa đồ ở tầng hầm nơi các khẩu súng của ông đã được cất giữ, rồi đi lên lầu tới trước tiền sảnh của ngôi nhà, và tự sát với “khẩu súng ngắn hai nòng mà ông đã rất thường sử dụng xem nó như là một người bạn,” theo www.en.wikipedia.org.

Hemingway phát biểu trong Lễ Trao Giải Nobel Văn Chương

Vào tháng 10 năm 1954, Ernest Hemingway đã được trao Giải Nobel Văn Chương. Ông đã nói với báo chí rằng Carl Sandburg, Isak Dinesen và Bernard Berenson còn xứng đáng hơn nhiều để nhận sự vinh danh này. Nhưng rồi ông bị trầm cảm và đang hồi phục từ 2 lần tai nạn máy bay liên tục kề cận với các chết. Ông đã quyết định không đến dự Đại Tiệc Nobel tại Tòa Thị Chánh của thành phố Stockholm vào ngày 10 tháng 12 năm 1954. Ông đã nhờ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thụy Điển lúc đó là John C. Cabot đại diện cho ông để đọc lời phát biểu nhận Giải Nobel. Nhưng đến giờ phút cuối, Hemingway đã thu âm lời phát biểu của ông để gửi tới Ủy Ban Nobel. Lời phát biểu được nghe như sau, theo www.brainpickings.org.

Không thuận tiện cho việc thực hiện lời phát biểu và không có tài diễn thuyết cũng như không có ưu thế của hùng biện, tôi muốn cảm ơn những vị điều hành của sự hào phóng của Alfred Nobel cho Giải Thưởng này.

Không có nhà văn nào là người biết những văn hào vĩ đại là những người đã không nhận được Giải Thưởng này có thể chấp nhận giải thưởng mà không bày tỏ sự khiêm tốn. Mọi người ở đây có thể tự lập danh sách theo nhận thức và lương tâm của mình.

Thật là điều bất khả để tôi nhờ vị Đại Sứ của quốc gia của mình đọc lời phát biểu mà trong đó một nhà văn đã nói hết mọi thứ trong trái tim của ông. Nhiều thứ có thể không rõ rang ngay lúc đó trong điều mà một người viết, và trong sự việc này đôi khi ông ấy lại may mắn; nhưng cuối cùng chúng hoàn toàn rõ ràng và bởi vì vậy và mức độ của sự kỳ diệu mà ông có ông sẽ sống mãi hay bị lãng quên.

Viết lách, tốt nhất, là sống cô đơn. Các tổ chức đối với những nhà văn làm giảm sự cô đơn của nhà văn nhưng tôi nghi ngờ có phải chúng cải thiện việc viết lách của ông ấy không. Ông ấy trưởng thành trong phạm vi công chúng khi ông ấy trút bỏ sự cô đơn và thường tác phẩm của ông ấy giảm giá trị. Khi ông ấy viết tác phẩm một mình và nếu ông ấy là một nhà văn đủ tốt thì ông phải đối diện với vĩnh cửu, hay mất hẳn nó, mỗi ngày.

Đối với một nhà văn thực sự mỗi cuốn sách phải là một sự khởi đầu mới nơi mà ông lại thử điều gì đó vượt quá mức thành đạt. Ông ấy phải luôn luôn thử điều gì đó đã chưa bao giờ được làm hay điều mà những người khác đã thử và đã thất bại. Rồi đôi khi, với sự may mắn lớn lao, ông ấy sẽ thành công.

Viết về văn học đơn giản biết bao nếu chỉ cần viết theo cách khác những gì đã được viết tốt. Đó là bởi vì chúng ta đã có những nhà văn vĩ đại như thế trong quá khứ đó là một nhà văn đã ra khỏi quá khứ nơi ông ấy có thể đi, đến nơi không ai có thể giúp ông ấy.

Tôi đã nói quá dài với một nhà văn. Một nhà văn thì nên viết những gì ông ấy phải nói và không nói điều đó. Một lần nữa tôi cảm ơn quý vị.

‘The Old Man and the Sea’

Tác phẩm “The Old Man and the Sea” là cuốn tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết vào năm 1951 tại Cuba và được xuất bản vào năm 1952. Đây là tác phẩm lớn cuối cùng mà Hemingway đã xuất bản lúc ông còn sống. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Nó kể chuyện về Santiago, một ông già người Cuba vật lộn với một con cá khổng lồ trong Vịnh Stream ngoài khơi của Cuba.

Năm 1953, cuốn tiểu thuyết “The Old Man and the Sea” đã nhận được Giải Pulitzer cho Tiểu Thuyết, và Ủy Ban Nobel cho biết nhờ cuốn tiểu thuyết này mà họ quyết định trao Giải Nobel Văn Chương cho nhà văn Hemingway vào năm 1954.

“The Old Man and the Sea” kể về cuộc chiến đấu giữa một ông lão có tên Santiago và một con cá biển khổng lồ.

Câu chuyện bắt đầu với việc ông lão Santiago đã ra khơi đánh cá được 84 ngày mà chẳng bắt được con cá nào cả và điều đó được xem như là sự không may mắn. Ông rất không may bởi vì cậu bé mới học nghề là Manolin đã bị cha mẹ cấm đi ghe với ông thay vì đã được kể đi đánh cá với những ngư phủ thành công. Cậu bé đến thăm túp lều của Santiago hằng đêm, kéo theo dụng cụ câu cá, chuẩn bị thức ăn, tán gẫu về môn dã cầu của người Mỹ và cầu thủ ưa thích là Joe DiMaggio. Santiago nói với Manolin rằng hôm sau ông sẽ ra khơi vào Vịnh Stream, phía bắc Cuba trong Eo Biển của Florida để đánh cá, tin rằng vận xui của ông sắp hết.

Vào ngày thứ 85 của vận xui của ông, Santiago giương buồm chiếc ghe nhỏ vào Vinh Stream, thả dây câu và đến trưa thì mồi câu của ông đã bị cắn bởi một con cá khổng lồ. Không thể kéo con cá khổng lồ vào, thay vì vậy Santiago đã bị con cá lớn này lôi đi, và 2 ngày đêm Santiago phải giữ sợi dây. Dù bị thương vì cuộc vật lộn và đau đớn, Santiago bày tỏ sự cảm kích đối với đối thủ của mình, thường coi hắn như người anh em. Ông ấy cũng xác định rằng, vì giá trị lớn lao của con cá, không ai xứng đáng được ăn con cá khổng lồ này.

Vào ngày thứ ba, con cá bắt đầu xoay tròn chiếc ghe nhỏ. Santiago, đã  mệt mỏi và gần như mê sảng, vận dụng hết sức bình sinh để kéo con cá vào cạnh chiếc ghe và dùng cây lao đâm con cá khổng lồ. Santiago lấy dây cột con cá vào cạnh ghe và giương buồm về nhà, nghĩ tới cái giá cao mà con cá sẽ mang lại cho ông ở chợ và biết bao nhiêu người ông sẽ cung cấp thịt của nó cho họ.

Trên đường vào bờ, những con cá mập bị hấp dẫn bởi máu của con cá khổng lồ tuôn ra. Santiago giết một con cá mập bự bơi nhanh với cây lao của ông, nhưng ông đã đánh mất vũ khí. Ông đã làm một chiếc lao mới bằng cách cột con dao vào cuối mái chèo để giúp chống đỡ đoàn cá mập kế tiếp. 5 con cá mập bị giết và nhiều con cá mập khác bị đuổi đi. Nhưng nhiều con cá mập khác tiếp tục tới, và khi đêm xuống những con cá mập gần như đã ăn sống toàn bộ thịt trên thân của con cá khổng lồ, chỉ để lại một bộ xương trơ chủ yếu là xương sống, đuôi và đầu của nó. Santiago biết rằng ông đã bị phá hoại và nói với những con cá mập rằng chúng đã giết chết ước mơ của ông. Khi về tới bờ trước bình minh của ngày hôm sau, Santiago còn vất vả với chiếc ghe của ông, vác cột buồm nặng trịch trên vai, bỏ lại cái đầu và bộ xương cá trên bờ biển. Khi về tới nhà, ông đã lăn ra giường và ngủ mê man.

Một nhóm ngư phủ tập họp lại vào ngày hôm sau quanh chiếc ghe nơi bộ xương của con cá vẫn còn. Một trong những ngư phủ đo con cá dài 5.5 mét từ mũi tới đuôi. Pedrico được cho cái đầu cá, và những ngư phủ khác bảo Manolin nói với ngư ông họ rất lấy làm tiếc. Các du khách ở quán cà phê gần đó đã tưởng lầm nó với con cá mập.

Cậu bé, lo lắng cho lão già, khóc khi tìm thấy ông ngủ an toàn và hai tay bị thương. Manolin mang đến cho ông những tờ báo và cà phê. Khi lão già thức dậy, họ hứa sẽ đi đánh cá với nhau một lần nữa. Khi ngủ trở lại, Santiago nằm mơ về thời tuổi trẻ của ông – về những con sư tử trên bãi biển Châu Phi.

Nỗi cô đơn của Hemingway trong “The Old Man and the Sea”

Một ông lão và một chiếc ghe nhỏ lênh đênh ngoài biển cả. Đó là hình tượng làm cho người ta nghĩ ngay tới sự cô đơn heo hút. Cảnh cô đơn và người cô đơn. Cảnh một ông lão ngồi trên một chiếc ghe nhỏ trên biển khơi gợi lên bức tranh cô đơn không thể tả. Ông lão ngồi một mình hiu quạnh trên chiếc ghe nhỏ ngoài biển cả cũng là hình ảnh cô đơn. Cái cô đơn của hoàn cảnh sẽ được nhân lên nhiều lần khi tâm trạng cô đơn của ông lão trải rộng ra với biển cả bao la. Cõi lòng cô đơn đối diện với hoàn cảnh cô đơn sẽ quyện vào nhau như cái bóng lẻ loi nhỏ bé của chiếc ghe rọi xuống lòng biển sâu không thấy đáy. Nhà văn Hemingway thật sự đã khéo vẽ bức tranh cô đơn ngay trong tựa đề cuốn tiểu thuyết của ông, “The Old Man and the Sea.”

Người kể chuyện giới thiệu ông lão Santiago là một ông lão đi đánh cá một mình trên chiếc ghe nhỏ trong Vịnh Stream và đã tám mươi bốn ngày mà vẫn chưa bắt được con cá nào. Lẽ ra ông lão không phải đi đánh cá một mình, nhưng vì sau bốn mươi ngày không bắt được cá nên cậu bé theo ông học nghề là Manolin đã bị cha mẹ buộc đi theo chiếc ghe khác. Manolin là một cậu bé dễ thương. Cậu rất mực thương và lo lắng cho ông lão nên đã mang thức ăn đến cho ông mỗi ngày.

Nhưng khi ông lão quyết định đi vào Vịnh Stream để đánh cá thì ông không còn ai kể cả cậu bé Manolin. Sống một mình trên chiếc ghe nhỏ được trang hoàng với những thứ còn lại của người vợ qua đời, ông càng cảm thấy cô đơn hơn. Hemingway đã mô tả, 'Có một lần, một bức ảnh nhuốm màu của vợ ông ấy trên tường nhưng ông đã gỡ nó xuống vì nó khiến ông quá cô đơn khi nhìn thấy nó và nó nằm trên kệ dưới góc dưới chiếc áo sạch sẽ của ông’.

Thường, những ngư dân im lặng lúc đánh cá vì họ sợ làm cá bị động và không cắn mồi, nhưng kể từ khi cậu bé Manolin không đi theo ông, Santiago đã bắt đầu tự lẩm bẩm. Ông cũng biết rằng làm vậy những người khác sẽ nghĩ ông khùng nếu họ nghe ông lẩm bẩm. Nhưng có ai ở đó để nghe ông không. Chắc là không. Ông làm vậy để cố xua đuổi sự cô đơn đang vây bủa ông làm cho ông không chịu nổi.

Đến khi con cá khổng lồ cắn mồi, ông lão Santiago ước gì có cậu bé Manolin ở bên cạnh để giúp mình kéo nó lên ghe. Ông nghĩ, ‘Không ai đáng bị cô đơn lúc tuổi già. Nhưng thật khó tránh khỏi điều đó’. Khi đêm xuống và ông cũng vẫn chưa kéo được con cá khổng lồ vào ghe, Santiago ‘nhìn ra biển rộng bao la và cảm nhận được nỗi cô đơn của ông thấm thía đến cỡ nào’.

Trong cái cô đơn của Hemingway người ta còn thấy cái can đảm và mạo hiểm phi thường của ông. Nhưng có lẽ chính những đức tính ấy đã tạo nên vóc dáng dị thường của nhà văn Hemingway như ngôi sao bắc đẩu trong nền trời văn học Mỹ.

 

Huỳnh Kim Quang