"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

 

KỶ NIỆM XƯA VỚI CHÙA THỚI LONG
Rạch Cái Khế, Quận Ninh Kiều - TP. Cần Thơ

21blhuknx1 

HINH 01, Thới Long Cổ Tự

 21blhuknx2

HINH 02, Mặt tiền chùa Thới Long

 

Chùa Thới Long là ngôi chùa cổ xưa nhất của người Việt tại vùng Đồng Bằng Sông Cữu Long, được xây cất từ thế kỷ 14-15, sau đó có trùng tu lại nhiều lần. Khi xưa bằng gổ quí, chạm khắc tinh vi, khuôn viên chùa rộng lớn chạy dài ra đến bờ sông, có một số cây cổ thụ mát mẻ, thanh tịnh. Đó là nơi ghi lại nhiều kỷ niệm của đám “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi.

Đáng nhớ nhất là vị sư già khả kính thường cho đám “con nít quỷ, phá nhà chay” ăn trái cây. Có lần bọn quỷ này ăn cắp trái cây trên bàn Phật, Sư biết, bọn này sợ xanh mặt! Nhưng lạ thay Sư vò đầu mỗi đứa rồi từ tốn bảo: “Thỉnh thoảng có chuột vào chùa ăn vụn trái cây Phật biết hết nhưng Phật từ bi, bao dung không bắt phạt nó, nếu chuột biết có lời xin thì Phật cũng cho mà như vậy chuột được khen là biết lễ phép đó”. Nghe thế bọn con nít này thở phào nhẹ nhỏm, và cũng từ đó quyến luyến thân thiết với vị sư trụ trì này nên hay kéo nhau đến nghe Sư kể chuyện sự tích Phật, sự tích ngôi chùa … chứ không còn ăn cắp trái cây ăn nữa.

Chuyện kể rằng: Lâu lắm rồi vào khoảng 600-700 năm trước, người Việt khai khẩn ở bờ Đông sông Cái (sông Hậu, Trấn Vĩnh Thanh). Chùa được dựng đơn sơ làm nơi nương tựa tinh thần cho lưu dân Việt bên bờ Tây nơi đó thuộc Thổ Huyện là một huyện của người Miên. (Hình như ông Sơn Nam có nhắc điều này trong Lịch sữ khẩn hoang miền Nam).

Nhiều kỷ niệm lắm, năm 1961 tôi hân hạnh thi đậu vào trường Phan Thanh Giản đeo huy hiệu trường trên miệng túi là niềm hãnh diện vô cùng! Thuở đó tình hình ở thôn quê (Trường Long, Trường Thành, Phong Điền, …) bắt đầu mất an ninh một số gia đình và nhiều học sinh trong vùng này rủ nhau tản cư ra Cần Thơ hoặc cất nhà ở đó đi học tại xóm Chùa (bên hong chùa) sau gọi là Bữu Pháp Tự, và xóm Cầu Đôi Mới (phía sau trường tiểu học Đức Trí), nói chung là chung quanh chùa Thới Long, bởi vì có vài chủ đất ở đó cho thuê đất nền để cất nhà.

Bạn nào ở xóm Chùa và Cầu Đôi Mới lúc này chắc không quên khung cảnh thanh tịnh dưới những tàng cây sao cổ thụ quanh chùa, với vị sư già hiền từ, phúc hậu. Chúng tôi hay đến chơi nhất là vào ngày lễ hoặc ngày rằm, ba mươi, để được ăn xôi chè, trái cây sau khi người ta đã cúng Phật.

Bạn nào còn nhớ khi phóng lộ từ ngã ba bến bắc (sau là bến Xe Mới) vô tới rạch Cái Khế và cất cầu Cái Khế Mới, thành phố giải tỏa khu nghĩa trang sau chùa để làm đường Lộ Mới, sau tên chính thức là đường Hùng Vương. Mặt tiền chùa hướng về con rạch nhỏ đổ ra sông Cái Khế, khi đã cán lộ cất lại chùa mới quay mặt về phía đường Hùng Vương như ngày nay.

Chuyện xây cất lại chùa, phóng lộ, bọn con nít chúng tôi không cần quan tâm, điều háo hức nhất là ngày chủ nhật nghĩ học đi theo mấy người thợ hốt cốt để xin ván đầu hòm về làm Cơ, từ tiếng Pháp là Coeur, nghĩa là trái tim nên đẻo miếng ván làm cơ theo hình trái tim. Bạn biết chơi cầu cơ không? Thú vị lắm, vui lắm! Nghe anh chị lớn học lớp trên kể rằng, cầu cơ phải cầu vào khoảng nửa khuya, tốt nhất là phải ra chòm mả mới linh, dụng cụ gồm 1 bãng chữ mẫu tự ABC và cây cơ nhỏ hơn bàn tay chút, làm bằng ván đầu hòm nếu hòm này của cô gái đồng trinh thì linh nghiệm vô cùng! Ba người để ngón tay trỏ ở 3 góc cơ, rồi thành tâm cầu khẩn nhớ đốt thêm 3 cây nhang, khi cơ lên (nhập) sẽ chạy chỉ vào các chữ ghép lại thành câu trả lời, đôi khi cơ biết làm thơ nữa, khoái chí vô cùng! Mỗi khi cơ giới thiệu mình là quỷ thì mấy chị quăng cơ la hét sợ hãi, túa chạy, một dịp mấy anh làm “người hùng” nắm tay trấn an che chở. Còn bọn nhỏ sợ ma cũng một phen vừa chạy vừa la, vui ơi là vui!

Cụ Giáo Hài chủ đất giáp ranh với chùa (khu Bữu Pháp Tự) nghe ông bà nói nghĩa địa này lâu đời lắm rồi, xưa lắm, của những đi khai hoang lập ấp tứ cố vô thân nên mới chôn ở đất chùa. Đúng vậy, hầu hết là mả lạn vô chủ, không có bia ai biết mộ đó là của ai? ván hòm mục nát có mả không còn gì, may lắm mới tìm được một miếng nhỏ chưa mục để đẻo làm cây cơ! Mà hồi mấy trăm năm trước hình như cơ học chữ nôm vậy tại sao biết viết chữ quốc ngữ kể cũng lạ à hén? Hay là may mắn gặp cơ mới sau này cũng có thể?

Đầu thập niên 60, bắt đầu phóng con đường Hùng Vương, cất cầu Đôi Mới ngang rạch Cái Khế từ đó khu đất chùa rất giá trị. Sau năm 1963 phong trào Phật Giáo bùng lên chống “gia đình trị, độc tài, đàn áp Phật giáo”, nhiều chùa đua nhau xây chùa mới to lớn bằng xi măng, bê tông một hai tầng lầu. Để có nhiều tiền cất chùa lớn khu đất quanh chùa Thới Long được xẻ lô nền nhà đem bán.

Khoảng năm 1965, dân trong quê tản cư ra thành phố để tránh bôm đạn, người ta xin chùa cho cất một số căn nhà tạm san sát chung quanh như: hẻm Chùa (bên hong chùa), hẻm Bữu Pháp Tự (vì mới cất chùa Bữu Pháp ở đó). Cũng từ đó chùa mang danh Thới Long Cổ Tự nhưng dấu vết cổ xưa không còn nữa!

 21blhuknx3

HINH 03, Trong sân chùa

21blhuknx4 

HINH 04, Bảo tháp nơi lưu giử tro cốt các vị Phương trượng

Đến năm 1991, nhà nước hổ trợ tài chánh cho những cơ sở tôn giáo nào chịu hợp tác với Mặt Trận Tổ Quốc thì có kinh phí để tôn tạo, nghe nói trong việc xây lại ngôi chùa này có sự đóng góp của bà Lâm Thị Phấn (em tướng Lâm Văn Phát) là nhân vật nỗi tiếng trong câu chuyện “Người đẹp Tây Đô” được quay thành phim. Ngôi chùa “Thới Long Cổ Tự” hôm nay đẹp lộng lẫy, đồ sộ, nguy nga nhưng hoàn toàn mới!!

  

Lê Hữu Uy

April 01-2021 – Hình chụp June 2019