"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

KINH VĨNH TẾ

 

Kinh Vĩnh Tế là một công trình to lớn nhất thời nhà Nguyễn khai phá vùng đất phía Nam, đối với Miền Tây Nam Bộ kinh Vĩnh Tế có thể xem đây là một kỳ quan!

Bà con đi tham quan miền Thất Sơn thường được giới thiệu lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư hay Cáp treo núi Cấm, … hoặc được giới thiệu sơ qua về con kinh quan trọng trong lịch sữ phát triển vùng đất này. Kinh Vĩnh Tế nếu ta tìm hiểu sâu hơn chút sẽ thán phục tầm nhìn ích lợi về chiến lược an ninh biên giới, kinh tế, giao thông, nông nghiệp, … của người xưa.

 

 21blhukvt1

HINH 01, Kinh Vĩnh Tế đoạn ngang thị xã Châu Đốc (Ảnh Internet)

 

Kinh Vĩnh Tế bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc, thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) đào thẳng qua giáp với sông Giang Thành thuộc địa phận Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Kinh đào dọc theo biên giới Việt Nam – Kampuchea, phía bờ nam cách từ vài km có vài nơi đến hơn 5 km. Một số thông tin không đồng nhất về chiều dài con kinh, tuy nhiên khả tín tương đối rõ ràng, theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép về kênh Vĩnh Tế, theo đó chuyển đổi hệ đo lường của ngày nay, thì kênh Vĩnh Tế có chiều dài là 87,34 km, rộng 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2,50m. Tuy nhiên, trừ đoạn láng Náo Khẩu Ca Âm (7, 65 km) và chiều dài sông Giang Thành (42.5 km) có sẵn nên các phần này chỉ nạo vét lại, còn phần phải đào mới chỉ có 37,19 km”. Khi mới đào mặt kinh rộng 30 m, sâu 2,5 m. (Theo, Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ).

Ngày nay kinh được nạo vét lại vài lần đáy rộng 30-35 m, sâu 3,5 m, chiều rộng có nơi 40-50 m. Đoạn ngang qua địa phận xã An Phú và xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên một đoạn gần 2 km lòng kinh có nhiều đá cứng khó nạo vét nên ghe hay xà lan đi qua gặp ít nhiều khó khăn khi nước ròng nhất là vào mùa khô hạn.

 

21blhukvt2

HINH 02, Kinh Vĩnh Tế đoạn ngang huyện Tịnh Biên (chụp năm 2016)

 

Khởi công đào từ đời vua Gia Long (1819) đến đời vua Minh Mạng (1824) mới hoàn thành. Qua hai nhiệm kỳ tổng trấn Gia Định, Nguyễn Văn Nhơn (1819-1820) và Lê Văn Duyệt (1820-1832), dưới quyền có hai phó tướng là ông Trương Tấn Bữu và Trần Văn Năng, được xem là tổng chỉ huy, phối hợp quân và dân công, yểm trợ phương tiện, cung cấp tiền bạc, lương thực, v.v… Thẩm quyền quan Tổng trấn Gia Định mới có thể huy động hàng vạn quân và dân công người Miên, và điều động quân và dân công ở các trấn Vĩnh Thanh, trấn Định Tường được. Xem như là sự vận dụng hàng chục vạn người Việt ở Nam Kỳ cộng thêm hơn 20 ngàn quân dân Miên, đặc biệt là với sức lao động và thủ công đã hoàn thành công trình vĩ đại này. Theo một số thông tin (báo và giới thiệu du lịch) chỉ nhắc đến có Thoại Ngọc Hầu và vài vị phó tướng trực tiếp trông coi việc đào kinh, đành rằng tướng Thoại Ngọc Hầu công rất lớn lao nên không thấy được qui mô tổng quát hết công trình.

Do tình hình an ninh và dựa vào thời tiết, tránh vụ mùa của dân công nên có 3 giai đoạn thi công, tóm lược như sau:

    • Giai đoạn 1:

Từ tháng 12 (âm lịch) năm 1819 đến tháng 3 (âm lịch) năm 1820 thì tạm dừng, do có giặc Sãi Kế và dịch bệnh. Chỉ huy công trình: Các tướng Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn TuyênNguyễn Văn Tồn (Tướng Nguyễn Văn Tồn gốc Miên trung thành với nhà Nguyễn được vua Gia Long cho cải họ Nguyễn, đóng quân tại đồn Uy Viễn (Trà Ôn) và Thổ Huyện (vùng Ô Môn, Cần Thơ). Tổng cộng quân và dân công 10,500 người trong số có 500 người Miên.

    • Giai đoạn 2:

Từ tháng 2 (âm lịch) năm 1823 đến tháng 4 (âm lịch) năm 1823. Chỉ huy công trình: Tướng Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn TuyênTrần Công Lại. Tổng cộng hơn 55.000 người, chia làm 3 phiên hoạt động, trong số có khoảng 20,000 quân dân người Miên.

Đến tháng 4 (âm lịch) năm 1823, vua Minh Mạng lại cho tạm ngưng đào kênh Vĩnh Tế, vì "nhơn đến mùa hạ, mà việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng.

    • Giai đoạn 3 (tức giai đoạn cuối):

Từ tháng 2 (âm lịch) năm 1824 đến tháng 5 (âm lịch) năm 1824. Sách Quốc triều sử toát yếu, phần Chánh biên, chép: "Tháng 2, lại đào sông Vĩnh Tế. Năm ngoái còn 1.700 trượng, nay lại đào, đến tháng 5 mới xong, (cho) dựng bia làm ghi".

Tướng chỉ huy công trình: Nguyễn Văn ThoạiTrần Công Lại. Số lượng quân và dân công của người Việt và Miên lên tới 25.000 người.

21blhukvt3

HINH 03, Bản đồ lãnh thổ Việt Nam thời vua Minh Mạng

Thời vua Minh Mạng, lãnh thổ Việt Nam trong đó tỉnh Hà Tiên (thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh) chiếm cả phần đất từ Komponsom (Sihanoukville ngày nay) và Cần Vọt (tỉnh Kompot), nên việc đào kinh Vĩnh Tế triều đình Việt Nam điều động được dân binh người Miên trên phần đất này.

Kinh Vĩnh Tế, đem lại sự phồn thịnh của Châu Đốc, nhiều làng mạc mọc lên theo đà phát triển kinh tế dọc theo bờ kinh. Sự thành công này năm 1835 vua Minh Mạng vui mừng cho đúc 9 đĩnh đồng (cữu đĩnh) làm quốc bảo đặt tại Thế Miếu trong kinh thành Huế, trong đó ghi khắc công trình thủy lợi Kinh Vĩnh Tế trên Cao Đĩnh (Đĩnh lớn nhất, quan trọng nhất). Nhà vua ban sắc chỉ lập bia dưới chân núi Sam bên bờ kinh ghi công, khen thưởng công trạng làm nên kỳ công này.

Vua Minh Mạng ban chiếu lấy tên vợ ông Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Vĩnh Tế đặt cho con kinh là Vĩnh Tế Hà, núi Sam cạnh con kinh là Vĩnh Tế Sơn và xóm làng dưới chân núi là Vĩnh Tế Thôn.

21blhukvt4

HINH 04, Lăng mộ tướng Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) dưới chân núi Sam

Mục đích đào kinh Vĩnh Tế ngoài việc xây dựng thế mạnh phòng thủ cho thấy quyết tâm của Việt Nam làm chùng ý đồ thống trị Đông Nam Á của vua Thái thời bấy giờ là nhà vua Rama, kinh Vĩnh Tế là đường thủy quan trọng giao thông rất tiện lợi cho người dân Việt lẫn Miên ở vùng biên giới hai nước, còn là hệ thống thủy lợi đem nước ngọt rửa phèn úng đọng cải tạo diện tích canh tác hàng triệu mẫu đất, giúp rút bớt nước giảm một phần tác hại của mùa lũ từ bên Kampuchea tràn về.

Có tài liệu ghi rằng việc đào kinh do quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long ngày nay) là Lưu Phước Tường khi xây đồn Châu Đốc tấu lên vua Gia Long (1816) xin đào kinh từ Châu Đốc sang Hà Tiên nhưng đến 3 năm sau 1819 vua Gia Long mới chấp thuận.

Chổ này người viết bài có điểm phân vân chưa rõ? Trong bối cảnh tình hình biên giới khi đó áp lực lớn của quân Xiêm trên đất Chùa Tháp ảnh hưởng an ninh biên giới phía nam, vua Gia Long là người hiểu rõ tham vọng của nhà vua Rama nước Xiêm hơn ai hết khi ngài còn lưu vong ở Bangkok (thời Gia Long tẩu quốc), họ luôn dòm ngó đất Ai lao (Lào), Chiêm Thành và Chân Lạp (Nam Bộ Việt Nam). Khi ấy quân Xiêm đang hồi cường thịnh xâm chiếm Miến Điện và một phần nước Cao Miên làm thuộc quốc, sau này lập nên triều đại Chaki. Chắc chắn việc mở con đường thủy chiến lược nối hai đồn binh Châu Đốc và Hà Tiên là cần thiết để tiếp ứng nhau khi có biến, bảo đảm cho an ninh biên giới phải là ý tưởng của nhà quân sự tài giỏi bảo vệ biên cương mà vị vua thao lược dựng nên cơ nghiệp bằng thanh gươm trên lưng ngựa, và sự sáng suốt quyết định của triều đình, chứ không phải ý tưởng mới mẻ của vị quan trấn biên sau này?  

Hay là: “Về ý tưởng đào kinh, Lê Văn Duyệt góp phần có tiếng nói đề xuất. Có thể tin ý tưởng ban đầu của Lê Văn Duyệt, được Gia Long tiếp nhận. Cơ sở lập luận: Lê Văn Duyệt một tướng tài, sinh ra và lớn lên vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất am hiểu trận mạc, quốc phòng. Là nhà chính trị tài giỏi có tầm nhìn; Hơn nữa, đã hai lần làm Tổng trấn Gia Định nên hiểu việc biên thùy trấn Vĩnh Thanh, Hà Tiên hơn ai hết. Mặt khác, quyền hạn ông rất lớn đến nỗi nhiều người phương Tây xem ông “Phó vương”. (Tạp chí Thất Sơn, tháng 6-2008)

 

Nhưng sao không thấy chính sữ nhà nguyễn nhắc đến phần nào công lao của ông Lê Văn Duyệt trong việc đào kinh Vĩnh Tế, phải chăng có sự kỳ thị của vua Minh Mạng với vị tổng trấn Gia Định Thành nhiều công trạng trấn giử, khai phá, mở man vùng đất Nam Bộ, có phải bởi vì ông Lê Văn Duyệt phản đối việc vua Gia Long truyền ngôi cho Minh Mạng, phản đối chính sách đối xử hà khắc của triều đình Minh Mạng với dân theo đạo Thiên Chúa, một bất lợi trong việc ngoại giao với người Tây Phương. Thêm nữa nhân việc con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn đưa đến lăng mộ ông Lê Văn Duyệt bị vua Minh Mạng xử phạt xiềng xích trong 300 năm! Có thể từ đó danh tướng Lê Văn Duyệt là bóng mờ không được sữ gia nhà Nguyễn nhắc đến trong công trình đào kinh Vĩnh Tế chăng?

 21blhukvt5

HINH 05, Khu 14 ngôi mộ dân binh tử nạn trong việc đào kinh

 

Nhìn lại lịch sữ đào kinh Vĩnh Tế hùng vĩ này thật đáng khâm phục ý chí, công sức đã bỏ ra của hơn 100 ngàn con người qua mấy năm, với 3,463,500 ngày công, đào khoảng 2,845,035 mét khối đất! Chừng mấy mồ hôi nước mắt đổ xuống công trình? Có bao nhiêu dân công chết vì sơn lam chướng khí, bệnh tật thiếu thuốc men, lao nhọc quá sức, tai nạn, bị thú dữ hại như rắn độc, sấu, cọp, …? Đứng trước công trình của người xưa, xin kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ và tri ơn người!

Lê Hữu Uy

04-04-2021 (Hình chụp năm 2016)